Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO, Quà Tặng Lưu Niệm

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

NGUỒN GỐC CỦA DÂN CA QUAN HỌ (Giả thiết)

Ngày ấy đã lâu, rất lâu rồi, cách đây khoảng 900 năm (trước, sau năm 1076). Bên bờ nam, sông Như Nguyệt (Sông Cầu), thuộc trốn Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), có người thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Ngay từ nhỏ, nàng đã được mẹ cho theo đi hái dâu, chăn tằm, cũng như các bạn cùng trang lứa, nàng lớn lên rất giỏi nghề canh cửi, ươm tơ, dệt lụa…
Giai đoạn này, đất nước ra đang có chiến tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Thế rồi, một lần nhà vua và đoàn tuỳ tùng có dịp đi qua quê hương của Nàng. Người thấy nơi đây phong cảnh thật đẹp, sơn thuỷ hữu tình, nên lệnh cho tướng sĩ dừng chân nghỉ lại (có thể đây là nơi đóng quân của nhà vua). Trời đất xui khiến thế nào mà nhà vua lại gặp người con gái ấy. Thật là "Anh hùng gặp Mỹ nhân". Nhà vua đắm say trước vẻ đẹp của nàng. Còn nàng thán phục ông vua trẻ có tài cầm quân, thao lược…Họ hợp ý tâm đầu!
Kể từ đó, nàng theo nhà vua đi khắp các nẻo đường, chiến trận, làm chỗ dựa tinh thần cho Người. Có phải chăng đó là tình yêu và có phải chăng nhờ tình yêu đó mà nhà vua đã hoàn thành sứ mạng nhanh chóng hơn…Đất nước đã sạch bóng quân thù, vua tôi cùng nhau khôi phục giang sơn. Khi mà đất nước đã thanh bình, một số quan lại trong triều bắt đầu lo toan vơ vét, củng cố địa vị, quyền hành…
Trong khi đó, người con gái quê Kinh Bắc thì sao? Nàng thật lúng túng, xoay sở giữa trốn quan trường, ông vua của nàng bây giờ không còn có nhiều thời gian dành cho nang nữa. Ông nhận trăm công nghìn việc, nào là việc triều chính, đối nội, đối ngoại, nào là dân chúng, quan quân…và đặc biệt tốn rất nhiều thời gian với các cung tần mỹ nữ. Đây cũng là thời cơ để các cung tần mỹ nữ luôn tìm cách, kể cả âm mưu, thủ đoạn để tranh giành…sao cho có được nhiều quyền hạn hơn và để được nhà vua sủng ái hơn…
Còn Nàng, Nàng buồn lắm! Hết ngày qua, tháng lại, lặng thầm trong bốn bức tường, chỉ còn biết oán trách "Người" sao vô tình, oán trách duyên phận sao trớ trêu. Chẳng lẽ phận số của Nàng lại chỉ có vậy thôi sao?…Nàng ước sao cứ vẫn như những ngày nào, được cùng chàng phiêu du trên khắp các chiến trường, nguy hiểm đấy, gian truân đấy, song nàng cảm nhận được vị ngọt ngào ngây ngất của tình yêu, hạnh phúc!
Thế rồi một ngày…có một ngày nàng quyết định dâng biểu sớ đệ trình lên nhà vua, xin được về quê với lý do: đi khai phá đất hoang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp, đẩy mạnh việc cấy trồng, sản xuất ra nhiều nông sản (làm "kinh tế"), phục vụ triều đình, phục vụ đất nước (nếu lý do không chính đang, thì không một Cung Phi nào được phép ra khỏi cung, kể cả khi đã chết). Nhà vua co là phải, bèn chiều theo ước nguyện của nàng, ban chiếu cho nàng quyền cai quản vùng Kinh Bắc (có thể là một phần tả, hữu ngạn sông Cầu của khu vực Kinh Bắc, khi đó chắc là còn hoang sơ lắm). Nàng được phép thu nhập dân binh với nhiệm vụ là: Mở rộng đất canh tác, trồng cấy, lo việc sản xuất và tích luỹ lương thảo để cung cấp cho triều đình. Lúc này nàng đã được phong làm Nguyên Phi (!), nàng toại nguyện trở về quê, lập ấp, chiều mộ dân binh. Vì rất ái mộ nàng, mọi người dân nô nức ủng hộ theo nàng. Họ tự hào, kiêu hãnh khi được làm việc dưới sự lãnh đạo của nàng - Bà Nguyên Phi của quê hương mình! (có thể coi, đây là một trong những cơ quan kinh tế có quy mô, có tổ chức lớn, đầu tiên của nước ta).
Điều đặc biệt là: Nàng chỉ chiêu tập nữ Dân binh, không biết vì lý do quân sự triều đình (nam giới thì phải đi lính, như đi nghĩa vụ quân sự bây giờ) hay vì nàng có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với phái mày râu?
Là một bộ phận, quân cơ của triều đình, nàng cũng đặt ra những quy định luật định nhằm đảm bảo sự nghiêm minh, kỷ cương…Giống như nghĩa vụ quân sự, các nữ thanh niên đến tuổi quy định (có lẽ khoảng 15 - 17 tuổi) phải gia nhập dân binh, đến một thời gian nhất định thì được giải ngũ về quê xây dựng gia thất.
Đội quân này rất hùng hậu, được phân chia thành các ấp - trại - phường - đội - tổ…Mỗi ấp, trại…phụ trách một khu vực và có các nhiệm vụ cụ thể…
Với một tập thể hàng vạn nữ Dân binh, sống trong hoà bình, với công việc là khai phá đất hoang, đồng áng, cấy cầy, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa bên dòng sông Như Nguyệt nên thơ, hữu tình. Dưới sự chỉ đạo của Nguyên Phi với một tâm tư sâu kín (!) một tinh thần vì quê hương, đất nước, Bà quên đi cả quyền lợi hạnh phúc của cá nhân mình (có thể Bà đã mang trong lòng một nỗi bận tâm? - nỗi hận tình ái). Có lẽ vì lý do này mà Bà không thu nhận nam Dân binh. Và cũng nghiêm cấm các Dân binh trong thời gian làm nghĩa vụ thì không được quan hệ nam nữ, không được lấy chồng…
Chỉ đáng thương cho các thanh nữ, họ đều đang ở độ tuổi yêu đương chín nở…đành phải kìm lòng lại vì nghĩa vụ cao cả và đặc biệt vì tình cảm dành cho vị nữ tướng tài đức, sắc son.
Ở cái tuổi hồn nhiên, hiếu kỳ, yêu đời đến cháy bỏng ấy, họ đâu có cam chịu sống một cuộc sống khuôn phép khô cứng, tẻ nhạt được… Và họ có cách của họ (…). Trên khắp các cánh đồng, các trại tơ tằm…đâu đâu cũng có tiếng cười ****a giòn giã, sự trêu chọc, ví von…với họ, chắc chắn không có gì mạnh mẽ hơn là tình yêu đôi lứa. Trong khi xa nhà, xa người yêu, họ mường tượng ra những cảnh đã gặp gỡ, đã hẹn hò, những câu chuyện lứa đôi. Những kỷ niệm đẹp đẽ, thơ mộng ấy theo họ suốt thời gian Dân binh ấy…Có thể nói: tinh thần của họ như được chắp cánh. Và có phải chăng? Đó là nguồn động lực tiềm năng để sản sinh ra đứa con tinh thần bất hủ sau này?
Cứ như vậy, tất cả các câu chuyện tình, những hoàn cảnh gặp gỡ, những đối thoại giao duyên, được rủ rỉ tâm tình, từ người này sang người khác, từ nhóm này qua nhóm khác…Thế rồi cứ truyền khẩu như vậy, hết tháng ngày này, qua tháng ngày khác, họ phát triển thành ví von, hát hò. Có thể họ đã chia thành các đội một bên giả làm đội Nam (Liền anh) một bên là nữ (Liền chị), (ta có thể hiểu: liền anh - liền chị, giống như đàng anh - đàng chị, hoặc giới nam và giới nữ). Họ ví von, đối đáp tình tứ…và cứ như thế, nó được phát triển thành dạng hát đối. Hát đối "nam nữ" được các nữ dân binh rất ưa thích, bởi nó là món ăn tinh thần duy nhất và không thể thiếu được trong cuộc sống rất đặc thù của họ (có thể nói: đó là tình yêu, là sức mạnh của họ, hay nói đúng hơn, nó là: một cao trào văn hoá). Chính vì vậy mà hát đối luôn được gọt giũa, tu sửa, chỉnh trang, để mỗi ngày một hay hơn, tình tứ hơn, quyến luyến hơn và phong phú hơn. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, qua lớp Dân binh này đến lớp Dân binh khác…Hát đối đã trở thành một vấn đề nóng hổi, sôi động, bởi các cuộc tranh tài giữa các tổ nhóm, các đội, các phường, trong chốn Dân binh chứa chan sức sống mãnh liệt.
Khởi nguồn từ tình yêu trai gái, lại được do chính các tác giả hát lên, vậy nên hát đối có nét đặc trưng của hát dân ca, được truyền miệng, xuất phát từ tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Nét đặc biệt ở đây là tất cả các dạng hát này, đều mang đậm nội dung của tình yêu trai gái, là gặp gỡ, là hẹn hò, là khắc khoải chờ mong đầy khát khao và cháy bỏng yêu đương, nhớ nhung v.v…Về sau, người ta đã sắp xếp các câu, đoạn, tuỳ theo từng chi tiết hoàn cảnh, nội dung, giai đoạn mà ghép lại thành các bài hát sao cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát và mỗi bài hát này lại hát sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, tâm tư của người hát, người nghe (hoặc nhóm người hát, nhóm người nghe)…Có lẽ từ đây, các bài hát Quan họ ra đời!
*Tại sao lại có tên là hát Quan họ?!
"Quan họ": chỉ hai từ thật là đơn giản song cũng thật là khó hiểu, khiến con cháu sau này không biết xoay sở, lý giải ra làm sao!
Theo tôi, có thể thời bấy giờ người ta gọi là Quan hò (cách gọi dí dỏm của các nữ dân binh), ta có thể hiểu đơn giản là: những người đang làm việc công, việc quan, mà tổ chức được việc hát hò - hay là những bài hát hò trong quân ngũ, hoặc những bài hát hò của quan quân. Nhận định này, nghe có vẻ không…lọt tai cho lắm, nhưng như tôi đã trình bày, Đội quan quân ở đây thật là đặc biệt, họ là một tập thể lớn các thanh nữ (có tổ chức, có người lãnh đạo, quan chức, cấp bậc…), mà đám đông thanh nữ vừa làm việc, vừa hát hò thì lại…không có gì là lạ nữa. Sau này có thể do thời gian, lịch sử, hoặc do ngôn ngữ địa phương, hoặc do vần điệu, mà người ta gọi là Quan họ, có lẽ nghe hai từ này nó xuôi hơn, tình cảm hơn và đặc biệt đoàn kết hơn!
Giai điệu Quan họ thì thật là đậm đà, say đắm, chứa chan tình ý sâu sắc và đầy tính lãng mạn, có thể nói: trong tất cả các làn điệu dân ca, thì đây là thể loại dân ca duy nhất chỉ hát về tình yêu đôi lứa. Nó vượt qua cả hàng rào Doanh trại, vượt qua mọi trở ngại thời gian, không gian và ngăn cách của chế độ Phong kiến hà khắc. Song, không vì vậy mà nó vượt quá khuôn phép, đạo lý, gia phong, đời thường thuần thuý của người dân Việt.
Quan họ có ở mọi lúc, mọi nơi, có ở mọi lứa tuổi, thành phần xã hội, đặc biệt là tuổi trẻ. Trong các lễ hội, đình đám của người dân Kinh Bắc, thì Quan họ là thứ không thể thiếu, (Bởi chính Quan họ đã làm cho lễ hội, đình đám đó sôi động hơn, long trọng hơn…Có lẽ cũng vì vậy mà Bắc Ninh được coi là tỉnh có nhiều lễ hội nhất), đây là dịp tốt để các Liền anh, Liền chị trổ tài thi thố, là dịp kỳ ngộ để trai gái giao duyên, kết bạn. Việc này đã trở thành truyền thống (không biết từ bao giờ).
Cho đến ngày nay, dù ở thế hệ nào, già hay trẻ, nam hay nữ, khi được nghe hát Quan họ, ta ngỡ tưởng mình là người trong cuộc! Bởi nó mãi mãi đắm say, mãi mãi mới mẻ, trẻ trung, quyến luyến, làm bồi hồi xao xuyến người nghe đến lạ kỳ.
Chúng ta không biết đội quân Dân binh ấy tồn tại được bao lâu, mấy chục năm? hay hàng mấy trăm năm? Chỉ biết rằng nơi đặt mộ phần của hai cụ thân sinh ra bà Nguyên Phi nay vẫn còn đó, tại đầu làng Viêm Xá ( nay còn gọi là làng Diềm - thuộc xã Hoà Long - huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh). Gần đấy, có đền thờ Bà Nguyên Phi, còn có tên là Đền Cùng, nhiều người gọi là Đền Giếng, (vì Đền có một giếng cổ, có tên gọi Giếng Ngọc, nước rất trong, uống ngọt, lành, trong giếng có những "Ông" cá chép rất đặc biệt, định cư từ rất lâu đời), tại đầu làng Viêm Xá (gần phần mộ của hai cụ thân sinh của Bà Nguyên Phi) thuộc xã Hoà Long - huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh (có thể đây là nơi Bà đặt đại bản doanh chăng?).
Chúng ta không ai biết, hàng năm đội Dân binh của Bà đã làm ra bao nhiêu lúa gạo, của cải, bao nhiêu tấm lụa tơ tằm? và không biết có phải Núi Kho (nơi có đền thờ Bà Chúa Kho, thuộc làng Cô Mễ - phường Vũ Ninh - thành phố Bắc Ninh), là nơi Bà cất chứa nông sản! Song, chúng ta xin cảm ơn Bà, cảm ơn đội quân Dân binh của Bà, đã để lại cho hậu thế một làn điệu dân ca độc đáo, kỳ diệu, nên thơ, trữ tình và lãng mạn! Một tài sản văn hoá vô cùng quý giá. Mà ta gọi là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
*Có thể ai đó sẽ hỏi: "Trong Quan họ, các Liền anh Liền chị không được lấy nhau?".
Theo tôi, "Các Liền anh Liền chị không được lấy nhau (nói chính xác là không lấy nhau được), chỉ đúng trong thời gian các "Liền anh, Liền chị" còn đang làm nhiệm vụ trong đội quân Dân binh, bởi khởi đầu Quan họ thì các "Liền anh" và "Liền chị" đều là giới Nữ, vả lại trong thời gian tham gia Dân binh thì không ai được lấy chồng"! Có lẽ nhờ vậy mà tinh thần chị em mới mạnh mẽ! Vì không vướng bận gia đình, chồng con (không có chủ nghĩa cá nhân), cho nên công việc mới được thúc đẩy, phát triển tốt như thế.
Còn về sau là sai: Bởi vì khi các Dân binh hết nghĩa vụ trở về, họ tụ họp nhau lại, lập nên các phường hát Quan họ ở địa phương mình (quanh vùng Kinh Bắc). Lúc này, có cả nữ và nam tham gia, họ tham gia đơn giản là để giao lưu, để học hỏi (thời bấy giờ, nền giáo dục của nước ta chủ yếu là giáo dục qua các điệu ru con, các câu ca dao, tục ngữ, hò vè và các làn điệu dân ca…có thể gọi nôm na: Giáo dục dân gian), để tìm hiểu nhau…Để nên vợ nên chồng, và thậm chí để cho vui.
Trong Quan họ: liền anh và liền chị, nếu cùng chạc Quan họ (hay còn gọi là cùng Bọn Quan họ, giống như cùng một Hội, một nhóm chơi, giống như kết nghĩa anh em) thì không lấy được nhau! Nếu muốn lấy nhau thì một trong hai người phải xin ra khỏi Chạc Quan họ ấy. Điều này thì có lý, bởi: đã là anh em (dù là kết nghĩa) thì đương nhiên không được lấy nhau!
Trong Quan họ, không phân biệt đẳng cấp xã hội, tuổi tác, giàu nghèo, chỉ có ngôi thứ. Ngôi thứ được sắp xếp theo tài nghệ: giọng ca, tài nghệ đối đáp ứng xử, hoặc tài sáng tác, chỉnh sửa, hoặc tài lưu nhớ được nhiều bài hát v.v…Ngôi thứ ở đây chỉ đơn giản là: anh cả, anh hai…chị cả, chị hai, chị tư…rất gần gũi, huynh đệ, mộc mạc như bạ bè, làng xóm (không có ngôi thứ kiểu hệ tộc, tuổi tác như: cụ cả, ông hai…bà cả…bà năm…gì gì…cả). Trong quan hệ Quan họ, không mang tính chính trị, môn phái…và nếu họ không phải có quan hệ họ hàng huyết thống hoặc các rằng buộc nào khác. Thì không có lý do gì mà họ không lấy được nhau, nếu như họ yêu nhau. Trong khi Quan họ chỉ hát về tình yêu lứa đôi, cho nên đối tượng của nó chắc chắn phần đông là nam nữ thanh niên.
*Hiện nay, một số địa phương (Làng - thuộc tỉnh Bắc Ninh) tự nhận nơi mình là cái nôi của Quan họ! Vậy ta nên hiểu như thế nào?
Theo tôi: Quan họ không xuất phát cụ thể ở đâu, từ làng nào, mà nó xuất phát từ tình yêu trai gái (gần giống như yêu đơn phương), từ cuộc sống đặc thù của đội quân Dân binh của Bà Nguyên Phi. Song các địa phương này đều có những người tham gia đội quân Dân binh của Bà Nguyên Phi và khi trở về ở địa phương mình, họ có công gìn giữ, phát triển Quan họ (họ nhóm họp lại với nhau, thành lập nên các đội, các nhóm, các hội và các làng quan họ), làm cho Quan họ ngày càng trong sáng hơn, mượt mà hơn, tình tứ hơn cho đến ngày nay. Theo tôi, nên gọi là: "Quan họ Kinh Bắc" thì đúng hơn, đầy đủ hơn, bởi Kinh Bắc là tên địa phương cùng thời. Kinh Bắc mới là địa danh cụ thể và tin cậy nhất (quê hương của Bà Nguyên Phi), nơi đây có đội quân Dân binh của Bà Nguyên Phi. Còn Bắc Ninh là tên địa phương sau này mới có (khoảng thế kỷ 18), nếu vậy thì bao la quá! Và đương nhiên cũng mãi sau này người ta mới gọi là Quan họ Bắc Ninh, người ta chỉ biết chắc chắn rằng: Quan họ có xuất xứ từ Bắc Ninh! (điều này thì chưa thấy ai lên tiếng bàn luận cả).
Như vậy là tôi đã mạnh dạn trình bày với các bạn, sự hình thành làn điệu dân ca Quan họ, theo quan điểm của tôi. Tôi rất xin lỗi lịch sử, rất xin lỗi các nhà nghiên cứu lịch sử (nhất là lịch sử văn hoá), bởi đây là suy luận (phỏng đoán) đơn giản của tôi, trong khi tôi chỉ là một công nhân, sự hiểu biết có hạn, Âu cũng là do xuất phát từ tình yêu Quan họ, mà tôi mạo muội xin được viết lên.
Vậy rất mong được tổ tiên Quan họ và hai giới các cụ cao niên trong các làng Quan họ lượng thứ và chỉ bảo!
Kinh Bắc, ngày 13 tháng 03 năm 2009
Phạm Văn Lượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét